Đó là một buổi chiều như mọi buổi chiều khác, anh Nguyễn Tiến Bắc (thôn
Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cắm mặt vào đám đồng
nát vợ vừa chở về nơi góc vườn để phân loại. Mùi mốc hăng hăng, mùi
tanh lợm giọng, mùi thối thum thủm của đủ thứ rác rưởi sộc qua lượt khẩu
trang dày cộp lên mũi, xuống họng, bóp nghẹt hai lá phổi.
Lúc đang nhặt nhạnh mớ giấy vụn, bỗng một cái túi nylon nặng nặng văng
ra, cứ tưởng mấy cái ốc vít nên anh Bắc đá sang một góc vườn rồi lại dọn
tiếp.
Hai hôm sau, khi đã vãn việc, anh Bắc mới sực nhớ đến cái túi, bèn tò mò
giở ra xem. Trong cái túi có một gói khăn mặt cũ. Mở gói khăn mặt cũ ra
lại có một gói giấy. Lột hết lớp giấy lộ ra một dây vàng 5 cây dính
liền nhau kèm theo 5 cây vàng lẻ. Định thần nhìn kỹ lại, trên mỗi cây
vàng đều có ký hiệu của nhà sản xuất, kèm cả giấy tờ mua bán viết tay,
chứng tỏ là vàng thật.
Anh Bắc vội cất mười cây vàng ở xó nhà rồi hỏi vợ: “Mẹ nó có nhớ mấy
ngày trước đã từng mua đồng nát của những ai không, người ta làm cả đời
mới được gần đấy”. Chị Nguyễn Thị Thuật, vợ anh Bắc, bảo: “Cả đời gì?”.
Anh đáp: “Vàng chứ gì, những mười cây, người ta bỏ sót trong đống giấy
vụn”.
Anh chị Thuận đang phân loại đồng nát. |
Nghe đến đoạn đó, cái chổi trong tay chị Thuật bỗng rơi cạnh xuống nền
nhà. Miệng chị như díu lại: “Chết chết, vàng đâu rồi, đưa tôi xem nào,
chắc là vàng giả chứ làm gì có thật”. Từng ngón tay chị run run gỡ từng
lượt bọc của cái túi nơi xó nhà, đúng là vàng thật rồi, nhưng của ai?
Ngồi trên đống vàng mà thêm run, hai vợ chồng chụm lại bàn nhau cách đem
trả. Giờ mà đánh tiếng dễ có cả chục người nổi máu tham mà nhận vơ,
chẳng biết đâu mà lần đã đành lại không chừng đám lưu manh kề dao vào cổ
mà cướp mất. Mười cây vàng được chị Thuật đem chia ra làm hai gói cất ở
hai nơi cho thật kín đáo.
Nửa tháng sau, một buổi anh Bắc đang ở nhà thì có đôi vợ chồng lạ tìm
đến, mắt họ cứ ngó chăm chăm vào đống giấy vụn nơi góc vườn. Anh hỏi tìm
gì thì họ bảo tìm vàng: “Khổ quá em có ít vàng để vào thùng giấy catton
vỏ tủ lạnh, ở nhà chồng không biết đã đem bán đồng nát mất”. Anh buông
một câu thăm dò tiếp: “Đồng tiền đi liền với ruột, ai lại cất vàng vào
hộp giấy? Thế nhiều hay ít?”. Chị phụ nữ mắt đỏ hoe: “Mười cây anh ạ”.
Đúng lúc ấy, chị Thuật đạp xe về đến ngõ liền mau mắn: “Thế thì không
phải tìm kiếm gì nữa, anh chị cứ vào đây uống nước đã”. Mười cây vàng
được đem trả lại cho chủ nhân trong sự ngỡ ngàng của đôi vợ chồng nọ.
Chị nọ một mực rút từ tay ra một cái nhẫn vàng mà rằng: “Đây là cái
duyên của chị em mình gặp nhau, em cầm lấy hai chỉ này coi như là lời
cảm ơn của anh chị” khiến chị Thuật cứ phải chối đây đẩy như phải bỏng.
Ba năm trước vợ chồng Bắc - Thuật vẫn thuộc hộ nghèo, anh làm nghề chẻ
tre đan sọt lợn đem ra chợ huyện bán còn chị cấy vài ba sào ruộng. Khi
nghề đan sọt ế ẩm, chị bàn với chồng đạp xe đi đồng nát khắp huyện, tính
ra mỗi ngày lời lãi 50.000 - 70.000 đồng. Thấy bán hằng ngày cho mối
không được lãi mấy, chị Thuật chở đồng nát về nhà rồi cùng chồng phân
loại, đợi số lượng nhiều mới bán.
Tiếng là chủ vựa nhưng quy mô nhỏ đến mức chỉ có hai vợ chồng tự mua, tự
phân loại chứ không quy tập được đội quân vài chục người thu gom, bỏ
mối như các ông chủ khác. Hàng hóa của họ thì thập cẩm. “Nhựa chết” loại
nhựa tái chế cứng quào bán 3.000 đồng/kg, “nhựa sống” bán 7.000
đồng/kg, giấy vụn bán 3.000 đồng/kg, sắt bán 6.500 đồng/kg…
Cứ mươi hôm, nửa tháng họ xuất kho đồng nát của mình một lần, mỗi kg phế
liệu chỉ được 300-400đ lãi. Hai vợ chồng cứ lăn ra mà làm không dám có
một ngày thứ bảy, chủ nhật, tối ba mươi Tết vẫn lọc cọc kéo xe bò đồng
nát về nhà mà tính ra cũng chỉ kiếm được cỡ già ba bốn triệu đồng một
tháng. Số tiền ấy cũng chỉ vừa đủ trang trải cho hai con đi học, một đại
học, một tiểu học.
Lúc thằng đầu vào đại học, chiếc xe máy duy nhất của gia đình cũng
nhường để cho con. Buổi nào gần, chị kéo xe đi, buổi nào xa thì mượn xe
máy hàng xóm rồi móc vào chiếc xe bò thay cho sức người kéo…
Gia cảnh nghèo của vợ chồng chị Thuật. |
Ngay ngôi nhà cấp bốn xây gạch ba banh mái lợp rơm bố mẹ hồi môn cho anh
chị trên mảnh đất ở rìa làng, chắt bóp, tằn tiện mãi họ mới mua được ít
ngói lợp thay thế. Của nả anh chị chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế tre cũ
kỹ tự đóng, cái thùng phuy sắt hoen gỉ đựng thóc ăn, cái quạt, cái đài
đồng nát nhặt về đến cả những quyển sách giáo khoa, sách nâng cao cho
hai đứa con cũng từ đồng nát…
Chị Đỗ Thị Oanh nhà ở khu Thương mại thị trấn Quốc Oai chính là khổ chủ
mất vàng hy hữu nọ. Chỗ vàng đó được chị Oanh bí mật cất trong đám vỏ
thùng catton để trên cái tủ đứng, bí mật đến nỗi ngay cả chồng con cũng
không biết.
“Lúc đó tôi có việc phải đi miền Nam một thời gian. Hôm nhà có giỗ, khóa
cái tủ đứng rồi cất chìa lên nóc, giật mình sờ mãi không thấy hộp
catton đựng vàng đâu. Sực hỏi chồng thì nghe anh bảo đã bán đồng nát mất
tự bao giờ”.
Chết điếng người, nghĩ mười mươi mất của rồi nhưng chị Oanh không dám
khóc to cũng không dám nói ngay đến chuyện giấu vàng vì sợ bệnh tim của
chồng tái phát đột ngột. Phải đợi lúc bình tĩnh nhất, chị mới lựa lời
thông báo cho chồng. Dò hỏi mãi mới biết là chồng mình đã bán đám đồng
nát ấy cho chị Thuật.
Tìm đến nhà hỏi về cái thùng giấy, anh chị như bị dội một gáo nước lạnh
khi nghe họ đã bán một đợt hàng đi Bắc Ninh tái chế. Chị thất thần, giơ
hai tay bưng mặt. Đất dưới chân chị như cũng chênh chao. Những giọt nước
mắt cứ thế lăn dài trên gò má sạm đen cho đến khi chị được thông báo
lại chỉ thùng giấy đã bán đi còn số vàng thì không hề suy suyển.
Chị Oanh còn nhớ như in câu nói của vợ chồng người ân nhân nghèo rằng:
“Trả lại vàng thế này anh chị mừng một chúng em mừng hai vì đã tìm được
đúng chủ. Chúng em tuy nghèo thật nhưng của cải do chính bàn tay mình
làm nên mới quý chứ của người ngoài thì không bao giờ màng”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét